Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em: 10 điều bạn cần dạy con

Thứ hai - 25/07/2022 09:14
Bắt cóc, xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em là nỗi ám ảnh của mọi cha mẹ. Bạn không thể bảo vệ con mọi lúc, do đó cách tốt nhất vẫn là nên trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân

Trang bị kỹ năng để bé tự bảo vệ mình luôn là cách phòng chống xâm hại trẻ em được chuyên gia tâm lý giáo dục nhấn mạnh. Thế nhưng nên giáo dục kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho trẻ như thế nào? Dành ngay vài phút xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để có thêm một số ý tưởng về các kỹ năng cần trang bị cho bé để phòng chống xâm hại trẻ em.

1. Dạy trẻ không tiết lộ tên bé

Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em đầu tiên là dạy bé đừng bao giờ tiết lộ tên cho người lạ và bạn cũng đừng viết tên bé lên đồ dùng cá nhân như ba lô đeo lưng hay hộp cơm. Việc này sẽ khiến cho người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của bé. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, nếu một người lạ đến nói chuyện với bé mà còn biết được tên của bé thì chắc chắn sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của bé. Thay vì viết tên của bé, bạn có thể viết số điện thoại của bố mẹ.

2. Chạy khỏi các xe đang đến gần theo hướng ngược lại

Ba mẹ nên dạy bé không được lại gần xe của người lạ. Bên cạnh đó, nếu một chiếc xe tiến lại gần mà người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của con thì hãy nhanh chóng chạy theo hướng ngược lại với chiếc xe này. Điều này sẽ giúp bé có thêm thời gian để gọi người giúp đỡ.

3. Nghĩ ra mật khẩu gia đình

Đưa ra mật khẩu gia đình là một cách dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em. Ba mẹ hãy dạy bé rằng nếu có ai đó đến nói với con: “Đi với chú. Chú sẽ đưa cháu đến gặp bố mẹ” thì điều đầu tiên bé phải làm là hỏi lại: “Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?”. Bố mẹ nên dạy bé một câu mật mã trong tình huống khẩn cấp (ví dụ như nếu bạn nhờ một người khác đến đón bé ở trường thì người đó cần phải biết được câu mật mã của gia đình). Ngoài ra, bạn cũng cần nghĩ ra một câu mật mã mà ít người nghĩ đến như “mèo tơ lông vàng”.

4. Cài đặt ứng dụng theo dõi bé

Nhờ chức năng định vị GPS, các ứng dụng này sẽ giúp bạn giám sát vị trí chính xác của bé và lượng pin điện thoại mà bé còn.

5. Đeo đồng hồ có nút khẩn cấp

Trang bị cho bé các thiết bị có nút khẩn cấp có thể dưới dạng đồng hồ, dây chìa khóa, vòng tay… Với thiết bị này, bạn có thể theo dõi vị trí của bé. Khi bé bấm nút, bạn hoặc cảnh sát sẽ nhận được tín hiệu.

6. Dạy trẻ phải la lên khi bị người lạ nắm lấy

Một trong những kỹ năng phòng chống xâm hại và bắt cóc trẻ em quan trọng mà bạn cần dạy bé đó là khi bị người lạ bắt lấy, bé có thể cư xử xấu hơn thông thường như cắn, đá, cào và cố gắng la lên thật to để thu hút sự chú ý của những người xung quanh bằng mọi giá. Ngoài ra, bé cũng nên la lớn: “Cháu không quen biết ông ấy/bà ấy. Ông ấy/bà ấy đang muốn bắt cóc cháu”.

7. Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em: Tránh xa người lạ

Giữ khoảng cách và không nên nói chuyện với người lạ là điều quan trọng mà bạn cần dạy trẻ. Bạn nên dạy bé rằng bé không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ, nếu cuộc trò chuyện dài hơn 5 – 7 giây, tốt hơn là bỏ đi, đến chỗ an toàn. Khi nói chuyện, bé nên đứng cách xa từ 2 – 2,5m. Nếu người lạ tiến lại gần, hãy lùi ra sau. Thực tập tình huống này với bé, cho bé thấy 2,5m là như thế nào và nhấn mạnh rằng luôn giữ khoảng cách đó dù có chuyện gì đi nữa.

8. Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em: Tránh đi thang máy với người lạ

Bạn hãy dạy bé chờ thang máy trong tư thế dựa lưng vào tường để có thể quan sát mọi người xung quanh. Nếu có người lạ bước vào thang chung với bé, hãy dạy bé tìm cách kiếm cớ để không phải đi chung thang máy với người này. Tốt nhất là giả vờ quên một thứ gì đó để rời đi. Nếu người đó kiên trì mời bé vào thang máy cùng, bé nên đáp lại một cách lịch sự: “Bố mẹ dặn cháu chỉ đi thang máy một mình hoặc cùng hàng xóm”. Nếu người lạ cố gắng lôi bé vào thang máy, bịt miệng bé thì bé phải hét lên, cắn người đó đó để thoát ra và tìm sự giúp đỡ.

9. Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em: Không cho người lạ vào nhà

Giải thích với bé rằng nếu có người gõ cửa nhưng không nhìn thấy rõ ai ở bên ngoài, không có ai trả lời khi bé hỏi: “Ai đấy?” thì bé không được phép mở cửa, dù là mở hé để nhìn ra bên ngoài xem. Ngoài ra, bạn nên dạy bé không nên cho người lạ biết là bố mẹ không ở nhà, dù người đó khẳng định họ là bạn của bố mẹ hoặc người đến sửa điện. Nếu người lạ kiên trì và cố gắng tìm cách mở cửa, bé phải gọi cho bố mẹ hoặc hàng xóm ngay.

10. Tránh gặp những bạn trên mạng một mình

Ngày nay tội phạm có thể tìm thấy con mồi thông qua Internet, do đó, bạn cũng nên dạy trẻ các kỹ năng sống phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nếu người bạn trên mạng nói rằng anh ta là “cậu Minh gần nhà” thì chưa chắc đó là cậu bạn 10 tuổi mà bé quen. Việc trò chuyện với bạn trên mạng khiến bé dễ rơi vào tình huống nguy hiểm.

Trẻ phải nhớ không được nói với người lạ, kể cả trẻ con, số điện thoại, địa chỉ, hoặc tên của mình. Bé không được gửi hình ảnh của mình cho người bạn trên mạng cũng như không được gặp riêng người lạ quen trên mạng.

Tác giả: Thu Đỗ Thị Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường

  • Đang truy cập30
  • Hôm nay483
  • Tháng hiện tại11,598
  • Tổng lượt truy cập410,817
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây